Xử trí khi trẻ sặc bột, cháo
Trẻ nhỏ với hệ hô hấp chưa hoàn thiện là nguyên nhân trẻ bị sặc cháo, bột, đặc biệt lúc trẻ đang ho có thể khiến trẻ bị sặc cháo vào phổi, nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần biết cách xử lý khi trẻ bị sặc thức ăn.
1. Nguyên nhân trẻ bị sặc cháo
- Trẻ vừa ăn vừa chơi đùa, ăn vội vàng.
- Trẻ bị ép ăn, nhất là lúc trẻ đang bị ho, rất dễ gây sặc.
- Hệ thần kinh chưa hoàn thiện khiến phản xạ chưa tốt, dẫn đến việc dễ bị sặc thức ăn.
2. Dấu hiệu trẻ bị sặc cơm, cháo, bột
Khi bị sặc bột, cháo, trẻ thường có những dấu hiệu có thể nhận thấy được như:
- Ho dữ dội, sặc.
- Da tím tái.
- Chân tay cứng đờ, cơ thể co giật.
- Trẻ không thể khóc, ú ớ, hơi thở đứt quãng.
- Nôn ra bột, cháo hoặc dung dịch.
3. Cách xử lý khi trẻ bị sặc thức ăn
- Bế trẻ lên rồi đặt trẻ nằm sấp trên một cánh tay, đỡ đầu và cổ trẻ bằng bàn tay hoặc đùi, lưu ý đặt đầu trẻ thấp hơn ngực.
- Dùng lòng bàn tay vỗ mạnh vào lưng trẻ, khoảng giữa hai xương bả vai (vỗ khoảng 5 - 7 cái) để tạo áp lực trong lồng ngực của trẻ để tống dị vật ra ngoài, chữa sặc cho trẻ.
- Nếu trẻ vẫn còn tím tái chưa hết sặc, đặt trẻ nằm ngửa, đỡ đầu trẻ và kẹp giữa hai gối, giữ đầu trẻ thấp hơn thân mình. Sau đó, sử dụng hai ngón tay (ngón trỏ và ngón giữa) ấn mạnh vùng phía dưới xương ức (ấn khoảng 5 lần). Vùng phía dưới xương ức là vùng mềm nên khi ấn xuống sẽ lõm vào.
- Quan sát vùng mũi họng của trẻ nếu thấy có dịch thì sử dụng dụng cụ hút sạch để dịch không ứ đọng trong mũi và miệng của trẻ.
- Nếu trẻ vẫn chưa hết sặc, lật người trẻ lại để vỗ lưng. Liên tục vỗ lưng và ấn ngực cho đến khi trẻ hết sặc. Nếu không xử trí tình trạng sặc cháo vào phổi kịp thời, có thể gây nhiễm khuẩn phổi thứ phát hoặc viêm phế quản.
- Trường hợp trẻ bị ngưng tim hoặc ngưng thở, cần nhanh chóng tiến hành sơ cứu hà hơi thổi ngạt, ép ngực và nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.
Khi xử lý nếu thấy trẻ không đỡ, cần gọi cấp cứu ngay. Trong khi chờ đợi xe cấp cứu cần tiếp tục xử lý tiếp cho đến khi được nhân viên y tế cấp cứu.
4. Phòng chữa sặc ở trẻ
- Cho trẻ nhỏ ăn thức ăn phù hợp với độ tuổi.
- Khi cho trẻ nhỏ ăn, cần hạn chế nô đùa hoặc hỏi chuyện trẻ.
- Nên cho trẻ ăn từng miếng nhỏ và dừng khi trẻ có biểu hiện ho khi đang ăn.
- Nên để trẻ ngồi ăn, không nên cho trẻ ăn khi trẻ đang nằm.
- Không nên cho trẻ ăn khi trẻ còn buồn ngủ hoặc đang khóc.
- Với trẻ biếng ăn, không nên ép trẻ.
- Khi trẻ đang bị ốm và gặp vấn đề về hô hấp, nên lưu ý khi cho trẻ ăn vì rất dễ bị sặc hoặc trớ, nôn.
Cha mẹ cần biết cách xử lý khi trẻ bị sặc thức ăn nói chung và bột, cháo nói riêng, đặc biệt là với trẻ nhỏ, bởi nếu không xử trí kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Nguồn: Internet