Tôn vinh Điều dưỡng viên tiêu biểu trong công tác, phòng chống dịch năm 2020-2023
“ Vững vàng về chuyên môn, gần gũi với đồng nghiệp, hết lòng với người bệnh, tận tụy với gia đình.” Đó là nhận xét không chỉ của bs Phạm Thị Thanh Tâm trưởng khoa Xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh- TTYT huyện Phù Cừ và mọi người dành cho em Nguyễn Thị Huệ, Kỹ thuật viên xét nghiệm, Khoa Xét nghiệm và Chẩn đoán hình ảnh, Trung tâm Y tế Phù Cừ tỉnh Hưng Yên
Qủa thật! Những lời khen, niềm tự hào ấy được đền đáp xứng đáng!
Hình ảnh KTV: Nguyễn Thị Huệ, Kỹ thuật viên xét nghiệm, Khoa Xét nghiệm và Chẩn đoán hình ảnh, Trung tâm Y tế Phù Cừ tỉnh Hưng Yên nhận bằng khen trong Hội Nghị tôn vinh Điều dưỡng viên tiêu biểu trong công tác, phòng chống dịch năm 2020-2023
Đồng chí: Nguyễn Thị Huệ - Kỹ thuật viên khoa Xét nghiệm & CĐHA là đại diện duy nhất của tỉnh Hưng Yên được chọn tôn vinh tại Chương trình Tôn Vinh Điều dưỡng viên tiêu biểu giai đoạn 2020-2023. Dự kiến tổ chức tại Hà Nội ngày 16/7/2024.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình bố mẹ làm nông nghiệp, Mẹ lại mắc căn bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn. Từ đó Huệ đã nuôi dưỡng ước mơ được khoác trên mình chiếc áo bouse trắng, với mong muốn chữa bệnh cho Mẹ. Ước mơ đó của em đã được thực hiện. Huệ giờ đây là một kỹ thuật viên xét nghiệm đang công tác tại Trung tâm y tế huyện Phù Cừ. Suốt 14 năm công tác em luôn dặn mình nỗ lực để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Luôn học tập để thao tác thành thạo các kỹ thuật xét nghiệm một cách chuyên nghiệp. Luôn ứng dụng kỹ thuật mới trong hoạt động chuyên ngành.Thực hiện tốt các biện pháp đảm bảo chất lượng xét nghiệm. Phụ trách An toàn sinh học phòng xét nghiệm, tham gia nghiên cứu khoa học, và tiếp cận thông tin từ nhiều nguồn, không ngừng tu dưỡng phẩm chất đạo đức, học tập, nâng cao trình độ chuyên môn.
Đặc biệt là trong thời gian dịch bệnh covid-19 xảy ra, tình hình dịch bệnh diễn biến vô cùng phức tạp, Huệ được phân công vào đội phản ứng nhanh của huyện và đội lấy mẫu cộng đồng của tỉnh làm nhóm trưởng. Hằng ngày trực tiếp đi lấy mẫu bệnh phẩm dịch tỵ hầu, dịch ngoáy họng và máu toàn phần cho các trường hợp F0, F1, F2 và lấy mẫu cộng đồng, lấy mẫu tại các khu cách ly tập trung của huyện, bệnh viện dã chiến, lấy mẫu tại nhà…Xử lý mẫu, bảo quản và vận chuyển những trường hợp nghi ngờ mắc covid 19 đến CDC Hưng Yên, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hưng Yên và Bệnh viện bệnh nhiệt đới tỉnh Hưng Yên theo sự chỉ đạo của cấp trên. Sẵn sàng có mặt khi có tình huống xảy ra bất kể ngày đêm, ngày nghỉ hay ngày lễ… Luôn có tinh thần phấn đấu trong công tác để đáp ứng nhu cầu công việc.
Công việc cần mẫn của một kỹ thuật viên bên cạnh việc thực hiện chuyên môn hàng ngày thì tại khoa luôn có ca trực 24/24 giờ sẵn sàng làm nhiệm vụ cũng như hỗ trợ cơ sở khác khi có các ca bệnh nghi ngờ. Ngày ngày phải tiếp xúc với F0, đi từng ngõ gõ cửa từng nhà để lấy bệnh phẩm, cả ngày trong bộ đồ chống dịch ướt đẫm mồ hôi, tính chất công việc đôi khi áp lực làm từ sáng đến tối, có những hôm bất chợt cả đêm truy vết, rồi có những trường hợp không chịu hợp tác để lấy mẫu… nhưng em chưa bao giờ muốn dừng lại. Huệ cùng đồng đội đã phải xử lý thật khéo léo để bệnh nhân tin tưởng và hợp tác. Đối mặt với nguy cơ lây nhiễm bản thân em và gia đình vô vùng lo lắng. Nhưng khi bản thân chứng kiến nhiều ca F0 diễn bến nặng, chứng kiến nỗi vất vả của nhân dân khi bị cách ly, phong tỏa, chứng kiến các em nhỏ khóc khi bị đè ra lấy mẫu dịch tỵ hầu cực kỳ khó chịu đã làm em thấm thía, thấu hiểu cảm giác chịu đựng của người dân khi phải lấy mẫu nhiều lần, phải cách ly chia cắt gia đình…Vất vả, khó khăn là thế nhưng lòng Huệ luôn tự nhủ và động viên các chị em đồng nghiệp trong khoa cùng nhau cố gắng, động lực cho Huệ thêm quyết tâm, nỗ lực, sống có ý nghĩa, trách nhiệm với công việc, yêu gia đình với mong muốn được cống hiến nhiêu hơn nữa, góp sức sớm đẩy lùi dịch bệnh.
Trong những ngày chống dịch, khó khăn lớn nhất với Huệ không phải là áp lực công việc mà là các thành viên trong gia đình phải tạm xa nhau. Lấy chồng là bộ đội, thời gian dịch bệnh là giai đoạn cao điểm mà anh cũng phải trực. Bố và mẹ đều phải thực hiện nhiệm vụ hai con nhỏ nhà Huệ khi ấy mới học tiểu học và mầm non nên cô bé kỹ thuật viên ấy phải nhờ ông bà nội chăm sóc. Mỗi ngày cả nhà chỉ có thể gọi điện vào tối khuya để hỏi thăm nhau. Có khi cuộc điện thoại dở phải ngừng vì có nhiệm vụ đột xuất.....Các bạn nhỏ nhà Huệ dường như ý thức được công việc của bố mẹ nên nó rất ngoan không đòi mẹ như trước. Rất nhớ! nhưng mọi người đều động viên nhau tập trung cho nhiệm vụ, hẹn ngày hết dịch cả gia đình lại đoàn viên. Cứ như vậy từng thành viên trong gia đình tôi đều cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Những lúc đi truy vết, kiệt sức muốn gục ngã bác sĩ Tâm trưởng khoa lại động viên khéo léo: Cố lên em Huệ ơi! Em không chỉ “ giỏi việc nước” mà còn “ đảm việc nhà” đấy! Lời thì thầm ấm áp của chị và ban lãnh đạo cùng các đồng nghiệp như tiếp thêm cho em năng lượng, sức mạnh phi thường để một cô gái bé nhỏ chỉ 46kg như Huệ trở lên khỏe như siêu nhân, không hề ốm đau trong suốt thời kỳ chống dịch.
Đại dịch Covid 19 đã qua đi, mọi hoạt động của Bệnh viện các cấp và cuộc sống của nhân dân đã dần đi vào bình ổn, những vất vả nhọc nhằn, nỗi lo sợ của Y bác sỹ, của người dân cũng đã vơi dần, nhưng trong trái tim Huệ vẫn luôn ngổn ngang cảm xúc rất khó diễn tả thành lời. Huệ thấu hiểu, Huệ trưởng thành, em trân trọng, em biết ơn và cảm ơn tất cả. Trong đại dịch Covid con người đã yêu thương nhau hơn….
Huệ YÊU bệnh viện em đang công tác hơn biết bao nhiêu,trong tôi dấy lên sự ngưỡng mộ cô gái nhỏ bé ấy khí nghe em thật lòng thủ thỉ bày tỏ: chị à, khi em gồng mình chống dịch cùng mọi người, em đã không thấy mệt mỏi, khó khăn, ngược lại thấy tự hào, thấy kính trọng, biết ơn bác giám đốc bệnh viện - Bs Nguyễn Văn Kiếm không chỉ là 1 giám đốc mà còn là 1 thủ lĩnh, 1 thuyền trưởng cừ khôi chèo lái bệnh viện vượt qua những khó khăn không kể ra được trong suốt mấy năm đại dịch thì 1 kỹ thuật viên bé nhỏ như tôi có sá gì, kể chi công sá…’’
Bức ảnh kỷ niệm của em Huệ cùng Giám đốc Nguyễn Văn Kiếm: Ngày nhận máy xét nghiệm tự động 400 test/h
Một buổi chiều sau giờ tan sở, lang thang tán gẫu cùng nhau, nghe em trải lòng tâm sự bỗng trong tôi cũng thấy tự hào biết bao. Chúng tôi, bệnh viện tôi, không chỉ riêng em Huệ đã phát huy những phẩm chất đạo đức tốt đẹp của những NGƯỜI CON DÂN TỘC VIỆT NAM vốn có truyền thống cực kỳ quý báu là đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, nhất là trong những lúc khó khăn, thiên tai, dịch bệnh thì tinh thần ấy được nhân lên gấp bội. Riêng trong đợt phòng, chống dịch COVID-19 lần thứ tư, tình yêu thương con người được lan tỏa qua những hành động và việc làm rất cụ thể, rất nhân văn đã in đậm trong tim chúng tôi không thể nào quên. Chúng ta cảm ơn tất cả, kể cả cuộc sống, bởi mọi thứ xảy ra trong cuộc đời mỗi người đều có lý do của nó. Vì vậy, bài học về sự biết ơn là bài học quan trọng mỗi người cần phải học. Trong tâm trí tôi cứ vang vẳng lời thì thầm - Maya Angelou: "Hãy để sự biết ơn là đầu gối để bạn quỳ lên nói lời cầu nguyện hằng đêm. Và hãy để đức tin làm cầu để đưa giúp bạn đi khỏi cái xấu đến với cái tốt"