A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

HỆ LUỴ CỦA TẢO HÔN

Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là những hủ tục lạc hậu hiện vẫn còn tồn tại, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thực trạng này đã và đang là một trở ngại đối với sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững, sự tiến bộ của xã hội. Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống không chỉ là vi phạm pháp luật mà còn để lại nhiều hệ luỵ đối với cá nhân, gia đình và xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nguồn nhân lực, dân số, việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.

Ông bà xưa có câu “ Gái thập tam, Nam thập lục” (có nghĩa là con gái 13 tuổi, con trai 16 tuổi đã có thể sinh đẻ ). Tuy nhiên ở tuổi này cơ thể và bộ máy sinh dục của cả nam và nữ vẫn còn đang phát triển, chưa hoàn thiện, chưa thích hợp cho việc sinh đẻ. Nếu kết hôn và sinh đẻ ở tuổi này thì rất nguy hiểm cho tính mạng của cả mẹ và con. Đứa con sinh ra sẽ còi cọc, nhẹ cân, không thể khỏe mạnh, dễ bị các dị tật. Chính vì vậy mà Luật hôn nhân và gia đình của nước ta đã quy định tuổi kết hôn của nữ là đủ 18 tuổi trở lên và tuổi kết hôn của nam là đủ 20 tuổi trở lên. Nếu nam nữ kết hôn dưới tuổi quy định của luật pháp thì gọi là Tảo hôn và hôn nhân sẽ không được pháp luật công nhận, bảo hộ.

Tảo hôn sẽ để lại nhiều hệ lụy ảnh hưởng trước mắt, cũng như lâu dài đến bản thân cặp vợ chồng cũng như gia đình, xã hội .

 

 

Về sức khỏe

Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống khiến sức khỏe của trẻ em bị ảnh hưởng, đặc biệt là các bé gái dưới 15 tuổi, nguy cơ chết trong quá trình mang thai và sinh nở cao hơn so với phụ nữ trên 20 tuổi. Những em bé có mẹ dưới 18 tuổi thường bị nhẹ cân, dị tật bẩm sinh hoặc chết non so với các em bé khác.

Về tinh thần

Khi kết hôn sớm, trẻ em sẽ phải đối mặt với nhiều gánh nặng trong cuộc sống gia đình, không còn được sống thật với lứa tuổi của mình. Các em không được vui chơi, tham gia các hoạt động giải trí, các sinh hoạt văn hóa nghệ thuật… thay vào đó là nỗi lo toan về hôn nhân, gia đình.

Về môi trường giáo dục

Các trường hợp tảo hôn thường phải nghỉ học giữa chừng, mất đi cơ hội học tập, phát triển, thiếu kiến thức xã hội, cản trở con đường phát triển tài năng, nhân cách, trí tuệ và thể chất.

Về kinh tế

Nhiều cặp vợ chồng tảo hôn không có việc làm hoặc gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm, không tự chủ về kinh tế dẫn đến tỷ lệ đói nghèo ngày càng gia tăng. Từ đó, kéo theo tình trạng đổ vỡ hạnh phúc gia đình, ly hôn, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của trẻ em.

Về xã hội

Tảo hôn ảnh hưởng đến chất lượng dân số, tăng tỷ lệ người thiểu năng về thể chất, trí tuệ, người tàn tật, khuyết tật, tạo thành gánh nặng cho sự phát triển của xã hội.

Hậu quả pháp lý của hành vi tảo hôn

Tảo hôn là một hành vi vi phạm pháp luật, vậy tảo hôn phạt bao nhiêu tiền?

Theo Nghị định 82/2020/NĐ-CP, Luật tảo hôn 2020 chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01/9/2020 thì mức phạt đối với hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn đã tăng lên so với trước đây, cụ thể:

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức kết hôn cho người chưa đủ tuổi kết hôn.

Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi tiếp tục mối quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn, mặc dù đã có bản án, quyết định của Tòa án.

Tảo hôn hiện nay không những diễn ra tại các khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí thấp. Mà còn gia tăng tại các khu vực thành thị, nông thôn, đồng bằng. Trên địa bàn huyện  nhà trong những năm gần đây, vẫn có một số cặp vợ chồng kết hôn ở tuổi vị thành niên. Nguyên nhân do đời sống kinh tế phát triển, đảm bảo đủ dinh dưỡng cơ thể phát triển to lớn hơn, tuổi dậy thì đến sớm hơn. Do sự giao lưu văn hóa trong thời kỳ bùng nổ thông tin, các văn hóa phẩm đồi trụy: phim ảnh, sách báo, các trang web đen, cùng với lối sống tự do  dẫn đến sự quan hệ tình dục bừa bãi của một bộ phận nam, nữ ở tuổi vị thành niên dẫn đến có thai ngoài ý muốn, ép bố mẹ phải cưới tảo hôn. Bên cạnh đó có một số gia đình có tâm lý muốn có con đàn cháu sớm, thiếu hiểu biết về luật pháp, do toan tính về lợi ích kinh tế, do cổ hủ, lạc hậu cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến cưới tảo hôn.

Để tránh các hệ lụy do tảo hôn gây lên các bạn trẻ cần: Chủ động tìm hiểu kiến thức về giới tính, sức khỏe sinh sản vị thành niên từ cha mẹ, thầy cô, anh chị, người thân và bạn bè.  Cần tâm sự về những lo lắng, băn khoăn, thắc mắc với người thân trong gia đình, thầy cô, bạn bè, người có uy tín. Tránh xa những hình ảnh, sách báo, phim ảnh, trang web khiêu dâm, đồi trụy; tránh xa  bia  rượu, thuốc lá, ma túy tránh quan hệ tình dục trước hôn nhân, quan hệ tình dục không an toàn. Đối với các đoàn thể chính trị ,thanh niên, phụ nữ cần phối hợp với chính quyền địa phương để tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa, phải coi tảo hôn là một tệ nạn xã hội, một phong tục lạc hậu trong việc cưới.  Vận động các gia đình cam kết không cưới vợ, gả chồng cho con tảo hôn. Chính quyền địa phương  can thiệp mạnh mẽ, kiên quyết xử lý trong các trường hợp vi phạm.

Qua những thông tin tuyên truyền trên, kính mong cán bộ và nhân dân trongtoàn huyện, đặc biệt là các bạn trẻ thực hiện nghiêm chỉnh Luật hôn nhân và gia đình, nhận thức sâu sắc về hệ lụy của tảo hôn , nâng cao ý thức của xã hội , cải thiện chất lượng giống nòi.  


Tác giả: Phương Lan- Phó phòng Dân số
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin tức y tế